Trong giới Doanh nghiệp thay vì doanh nghiệp Âu – Mỹ trực diện nhận lấy thất bại thì Doanh nghiệp Á Đông chọn cách thu dọn đồ đạc rồi âm thầm bỏ trốn mà không biết rằng chính THẤT BẠI là bài học quý báu để thành công.
“Không giặt đồ dơ trước công chúng”
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nhà máy ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) phải đóng cửa vì không đủ doanh thu hay đơn đặt hàng do sự suy thoái của mức độ tiêu thụ tại Âu, Mỹ hay Nhật Bản. Phần lớn các chủ nhân, dù người nước ngoài hay Trung Quốc, đều chọn giải pháp là thu dọn đồ đạc trong đêm rồi âm thầm bỏ trốn, thay vì phải đối diện với chủ nợ, nhân viên hay chính quyền. Hiện tượng này cũng khá phổ biến tại Việt Nam và các quốc gia Á Đông còn chịu ành hưởng bởi tập tục phong kiến xa xưa. So sánh với các doanh nghiệp tại các quốc gia Âu Mỹ, chủ nhân nơi đây thường công khai đem tài sản còn lại ra công chúng, hoặc giao cho tòa án, hoặc thương lượng với các chủ nợ về một giải pháp êm thấm hơn.
Nhiều doanh nhân Trung Quốc và Việt Nam sẽ biện bạch là cơ chế pháp lý nơi đây quá phức tạp, không minh bạch, nên khi phá sản, rất khó giải quyết đề thỏa mãn sự đòi hỏi của mọi phe nhóm liên quan. Lý do này cũng chứa một phần sự thực; nhưng phân tích kỹ, tôi nhận thấy yếu tố văn hóa xã hội có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn. Vấn đề “sĩ diện” trong truyền thống hành xử và giao thiệp của người Á Đông, nhất là người Trung Quốc, đã là một đề tài có nhiều bàn luận nhất tại nhiều quốc gia Âu Mỹ.
Vì sĩ diện, doanh nhân Trung Quốc, kể cả những Hoa kiều, lao vào những dự án và công việc có tính cách phô trương, phiến diện, nhất thời; thay vì sáng tạo, bền vững và kín đáo. Họ thích được “nổi trội” hơn các đồng nghiệp và sự ca tụng của cộng đồng, bang họ, bạn bè, gia đình… là một động lực không thể thiếu trong sự tính toán và điều hành công việc. Vì sĩ diện, họ sợ nhất là sự cười chê của cộng đồng khi thất bại. Rất nhiều doanh gia sẵn sàng bỏ xứ sở, gốc gác để biến mất vì xấu hổ. Do đó, việc che đậy những điều được coi là “xấu” trở nên một ưu tiên trong hoạt động kinh doanh.
Thái độ che giấu hay bộc lộ là sự khác biệt lớn nhất về văn hóa giữa Á Đông và Âu Mỹ trong hành xử thường nhật của cá nhân và phe nhóm. Lấy nghệ thuật hội họa chẳng hạn: trong khi tranh Á Đông hay thể hiện những nét đẹp tiềm ẩn, với góc nhìn tổng quan trong thiên nhiên và con người, thì tranh của Âu Mỹ tràn ngập những trường phái hiện thực, tả chân rõ ràng với những nét cạnh và chi tiết. Triết lý Khổng Lão chứa đựng nhiều ẩn dụ, mơ hồ và ví von. Các triết phái Tây Phương thì gay gắt với biện luận, tranh cãi và phản bác. Tục ngữ trong xử thế của Á Đông nhấn mạnh việc “không giặt đồ dơ trước công chúng”, hay “tốt khoe, xấu che” hay “đừng vạch áo cho người xem lưng”.
Đây là một thói quen tương phản, đối nghịch nhất với nguyên tắc “minh bạch” và “trung thực” của hệ thống tài chính thế giới. Nếu tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ở Á Đông lấy lý do là vì tôn trọng văn hóa truyền thống phải “tốt khoe, xấu che” thì chúng ta sẽ chẳng có thị trường chứng khoán tại các nơi này. Ngay cả trong những công ty tư nhân, sự giấu diếm những tệ hại, sai lầm với khách hàng, với đối tác, với nhân viên… sẽ gây ra những nguy hiểm cho an toàn của sản phẩm, cho niềm tin vào thương hiệu, cho sự vững bền của hoạt động.
Suy nghĩ xa hơn, những cái “xấu” được che đậy thường không có một định nghĩa đồng nhất trong mọi góc nhìn. Nếu dùng căn bản sâu rộng về đạo đức cá nhân hay chuẩn mực đa dạng của tư duy xã hội, thì cái “xấu” ngày hôm nay có thể dễ dàng thay đổi thành cái “tốt” ngày mai; và ngược lại. Một ví dụ điển hình là sự “thất bại” trên thương trường. Qua thời kỳ dạy học, tôi biết rất nhiều sinh viên trẻ ở Á Đông vì sợ “thất bại”, bị cười chê và mang tiếng “xấu” suốt đời, nên không bao giờ dám dấn thân làm ăn. Trong khi đó, tư duy khoảng đạt, chấp nhận dễ dàng chuyện “thất bại” của xã hội Mỹ là một trong những nguyên nhân tạo nên sự đột phá kỳ diệu của nền kinh tế này.
“Thất bại là học phí”
“Tôi thấy ở đây, người dân không xấu hổ vì ăn cắp hay nói dối; mà lại xấu hổ vì thất bại hay nghèo khó. Nó đi ngược với tất cả tư duy và chuẩn mực về đạo đức mà tôi đã được dạy dỗ từ bé”. Tôi có thể đi xa hơn mà nhận xét rằng “thất bại” là một điều đáng khen ngợi, ngay cả hãnh diện. Nó nói lên lòng can đảm của con người dám làm, nó biểu hiện sự kiên nhẫn của tinh thần phấn đấu, và nó sẽ là một bài học vô cùng quý giá hơn cả mọi bài giảng trong lớp học hay trên những trang sách khô khan. Khi tôi đi tập sự ở Wall Street vào thập niên 70s, một giao dịch viên trên sàn giao dịch của Merrill Lynch quyết định hấp tấp, phạm một lỗi lầm và làm công ty lỗ 8 triệu USD trong 20 phút. Cả phòng làm việc áy náy nhìn anh ta dọn đồ đạc, sẵn sàng để bị đuổi. Nhưng khi anh nộp đơn từ chức, ông sếp của anh lại la mắng anh thậm tệ, “Công ty vừa bỏ ra 8 triệu USD để trả học phí cho cậu, giờ cậu dám bỏ việc hả? Lo về bàn làm việc, dùng cái đầu tốt hơn và gắng kiếm lại cho công ty số tiền cậu làm mất.”
Ông sếp này hiểu về “thất bại”. Không lạ gì khi anh nhân viên đó trở nên một siêu sao của Merrill Lynch trong những năm kế tiếp.
Một anh bạn giáo sư của đại học Thanh Hoa hỏi tôi về nghịch lý lạ lùng nhất tôi đã trải nghiệm ở xã hội Trung Quốc, “Tôi thấy ở đây, người dân không xấu hổ vì ăn cắp hay nói dối; mà lại xấu hổ vì thất bại hay nghèo khó. Nó đi ngược với tất cả tư duy và chuẩn mực về đạo đức mà tôi đã được dạy dỗ từ bé.”
Hiện tượng che dấu vì xấu hổ với thất bại thể hiện rõ ràng nhất trong việc xử lý nợ nần của doanh nghiệp. Tôi nhớ cách đây 25 năm, tôi và ông sếp đã kinh hãi khi một khách hàng người Nhật đã tự vẫn vì một món nợ 4 triệu USD ông không trả nổi. Với ngân hàng đầu tư mà chúng tôi làm công, 4 triệu USD là một món tiền không lớn, tôi chỉ cần viết một báo cáo 2 trang với chữ ký phê chuẩn của ông sếp là mọi hồ sơ sẽ được xếp lại. Chúng tôi phải đi điều trị tâm lý sau đó vì 2 người đều nghĩ là mình có “tội” hay “lỗi” trong sự cố này.
“Thất bại” là một điều đáng khen ngợi, ngay cả hãnh diện. Nó nói lên lòng can đảm của con người dám làm, nó biểu hiện sự kiên nhẫn của tinh thần phấn đấu.”
– TS. Alan Phan –
Khắp Á Đông, không doanh nhân nào muốn mổ xẻ hay đào bới chuyện nợ nần hay “thất bại” đã qua. Không ai muốn ngồi xuống giải thích với các chủ nợ hay cổ đông đối tác về những lý do hay yếu tố đã gây nên sự cố. Mọi người, kể cả chủ nợ, chỉ ao ước là tai nạn này sẽ biến mất, mọi điều tiếu im bặt và tất cả quay về với đời sống hàng ngày như chuyện đó không hề xảy ra.
Cá nhân tôi cũng đã đối diện với vực thẩm của phá sản nhiều lần trong thương nghiệp. Vào đầu thập niên 80s, tôi rất hồ hởi lạc quan khi kiếm tiền nhanh chóng vô tội vạ với địa ốc từ những năm 70s. Tôi và vài người bạn gom hết vốn, khoảng 6 triệu USD, đầu tư xây dựng 220 biệt thự tại Scottsdale, Arizona. Khi lãi suất ngân hàng lên hơn 20% một năm, chúng tôi không bán được một biệt thự nào, và phải trả hơn 27 triệu USD cả vốn lẫn lời đã đến kỳ hạn. Luật sư tôi khuyên nên tránh mặt các chủ nợ và khai phá sản để toàn bộ tài sản bị tòa phong tỏa khoảng 2 năm, rồi chờ đợi tình thế đảo ngược. Nhưng căn bản đạo đức cá nhân không cho phép tôi làm vậy.
Tôi triệu tập một hội đồng các chủ nợ (creditors committee), trình bày trung thực các tài sản và nợ nần, của cá nhân tôi lẫn công ty. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẵn sàng giao toàn bộ tài sản mà không làm khó khăn để họ rộng đường thanh lý và các món nợ khỏi bị xấu thêm với thời gian. Bù lại, tôi không phải khai phá sản (có ảnh hưởng xấu đến lịch sử tín dụng cá nhân trong 7 năm) và không bị kiện cáo thêm về bất cứ lý do gì. Trong tài sản cá nhân, tôi thậm chí còn ghi rõ 2 bức tranh nổi tiếng (trị giá hơn 500.000 USD), bộ sưu tập viết máy (trị giá hơn 400.000 USD) và 4 chiếc xe hơi thể thao classic (trị giá hơn 1,5 triệu USD). Đây là các khoản tài sản mà tôi có thể dễ dàng che dấu.
Các chủ nợ trân trọng sự thành thực và can đảm của tôi. Họ dễ dãi chấp nhận mọi điều kiện, còn cho tôi giữ lại bộ sưu tập viết máy và một chiếc xe Porsche. Sau đó, họ bắt tôi phải đi ăn tối ở một nhà hàng sang trọng nhất Los Angeles, và chúng tôi cùng ca bài My Way trong thân tình. Một chủ nợ 6 năm sau còn đầu tư vào công ty Hartcourt của tôi hơn 2 triệu USD và chúng tôi trở thành những người bạn thân cho đến nay.
Trung thực, minh bạch và cởi mở
Một điều cần ghi nhớ là hiện nay suy nghĩ và kỳ vọng của các chuyên gia Á Đông lớn lên trong môi trường tài chánh toàn cầu đã thay đổi nhiều. Phần lớn, họ đã tốt nghiệp ở các đại học Âu Mỹ, sống và làm việc một thời gian dài tại các định chế đa quốc gia, nên văn hóa và tư duy của họ thường khác nhiều so với các quản trị viên vẫn còn vướng mắc với thời xa cũ.
Tôi được vài con nợ mời làm tư vấn để thương lượng với các chủ nợ về giải pháp phá sản êm thấm. Tôi luôn nói rằng tôi không đoan chắc là các chủ nợ của bạn sẽ dàn xếp tốt đẹp với ban quản trị về giải pháp sau cùng hay sẽ hoan hỉ mời ban quản trị đi ăn uống linh đình. Nhưng tôi tin chắc là “trung thực”, “minh bạch” và “cởi mở” là ba yếu tố cần thiết để việc tái cấu trúc công ty được hoàn tất như mong ước. Mọi hành xử ngược lại, sẽ chỉ gây ra những hậu quả trái với quyền lợi của mọi phe nhóm.
“Life is not how to survive the storm but how to dance in the rain” (Sống không phải để được cứu vớt trong trận bão, mà sống để được nhảy múa trong cơn mưa.)
Tôi hy vọng là giới doanh nhân trẻ của Việt Nam sẽ không bị sự xấu hổ vì sợ “thất bại” làm chùn chân khi tìm giải pháp sáng tạo và năng động cho công việc cùa mình. Thomas Edison “thất bại” hơn 2 ngàn lần trong các thí nghiệm trước khi sáng chế ra bóng đèn điện. Nếu ông ta xấu hổ, có lẽ nhân lọai vẫn phải đốt đèn cầy mỗi đêm.
Tôi có một câu viết đóng khung trong phòng làm việc ở Thượng Hải do một người bạn tặng, “Life is not how to survive the storm but how to dance in the rain” (Sống không phải để được cứu vớt trong trận bão, mà sống để được nhảy múa trong cơn mưa.) Tôi sẽ kính tặng lại cho ban quản trị của một công ty nào biết vượt sóng thành công sau cơn bão.
– TS. Alan Phan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.