Mình xin chia sẻ lại nội dung bài viết "Bí quyết "săn" học bổng Fulbright" đã đăng trên tạp chí Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Hy vọng ít nhiều hữu ích cho bạn nào quan tâm. (Ảnh: tác giả (áo xanh, bên phải) và bạn cùng lớp đến từ 6 quốc gia khác nhau).
BÍ QUYẾT “SĂN” HỌC BỔNG FULBRIGHT CỦA MỸ
Du học Mỹ là ước mơ cháy bỏng của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, có thể vì nghĩ rằng có “với” cũng không “tới” nên nhiều bạn có năng lực đã bỏ qua cơ hội này.
Là một sinh viên đang theo học chương trình MBA (Cao học Quản trị Kinh doanh) tại Mỹ thông qua học bổng Fulbright, tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân nhằm góp phần xóa đi suy nghĩ có phần không chính xác đó và khích lệ các bạn nỗ lực biến ước mơ của mình thành hiện thực.
HỌC BỔNG FULBRIGHT LÀ GÌ?
Theo thông tin trên trang web của Đại sứ Quán Mỹ, chương trình học bổng Fulbright được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1946 nhằm “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thông qua các trao đổi về giáo dục và văn hóa”. Đây là học bổng toàn phần uy tín hàng đầu của Mỹ vì được tuyển chọn bởi Ủy ban Học bổng Nước ngoài J. William Fulbright do tổng thống Mỹ chỉ định.
Tại Việt Nam, Chương trình Học bổng Fulbright lấy bằng thạc sỹ tại Mỹ thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Hoa Kỳ học, Giáo dục, Truyền thông, Báo chí, Quan hệ quốc tế, Công tác xã hội, Chính sách công, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Sức khoẻ cộng đồng, Thư viện, Quản lý Hành chính công vv…
CÁC “BÍ QUYẾT” GIÚP TÔI ĐẠT ĐƯỢC HỌC BỔNG FULBRIGHT
Thông tin chi tiết về học bổng Fulbright được Phòng Thông tin Văn hóa của Đại Sứ quán Mỹ phổ biến cụ thể trên trang web nói trên cũng như tại các buổi gặp gỡ trực tiếp với các ứng viên. Tôi chỉ xin chia sẻ thêm vài “bí quyết” cá nhân đã giúp tôi đạt được bổng Fulbright năm học 2009 – 2011.
CHUẨN BỊ HAI BÀI LUẬN "STUDY OBJECTIVE" VÀ "PERSONAL STATEMENT"
Phần quan trọng nhất trong bộ hồ sơ xin học bổng Fulbright là hai bài luận “study objective” và “personal statement”. Hai bài luận này giúp Ủy Ban Fulbright biết bạn là ai, mục đích du học của bạn là gì và tại sao bạn xứng đáng nhận được học bổng này.
Với bài luận “study objective”, bạn phải nêu bật được những điểm sau:
1. Kế hoạch (nghề nghiệp) dài hạn của bạn là gì?
2. Kế hoạch đó sẽ giúp ích gì cho Việt Nam?
3. Việc du học tại Mỹ đóng vai trò gì trong kế hoạch đó?
Với bài luận “personal statement”, bạn phải nêu bật được những điểm sau:
1. Bạn có những ưu điểm gì?
2. Bạn đã đạt được những thành tích gì?
3. Bạn có tiềm năng để thực hiện kế hoạch dài hạn của mình không?
Để thuyết phục Ủy ban Fulbright, tôi đã viết hai bài luận của mình xoay quanh bốn điểm dưới đây:
1. Sứ mệnh (mision) của tôi là gì? Sứ mệnh thể hiện (một phần quan trọng) mục đích sống của một người, do đó phải mang tính lâu dài, nhất quán, xuyên suốt và khả thi.
Thông thường, sứ mệnh truyền cảm hứng cho nỗ lực vươn lên của bạn trong cuộc sống. Sứ mệnh và tầm nhìn phải liên quan mật thiết và hợp lý với nhau vì đạt được mục tiêu đề ra trong tầm nhìn là cách tốt nhất để bạn thực hiện sứ mệnh của mình.
2. Tầm nhìn (vision) của tôi là gì? Tầm nhìn cho thấy bạn có là người “nhìn xa trông rộng” không, có biết rõ mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai không. Giống như một công ty, mỗi cá nhân cần có một tầm nhìn để làm “kim chỉ nam” cho nỗ lực phấn đấu của mình cũng như biết cách tập trung các “nguồn lực” và gọt dũa những “kỹ năng” cần thiết để đạt đến tầm nhìn đó. Tầm nhìn phải có tính khả thi, mốc thời gian cụ thể, không nên quá khó (sẽ không đạt được) hoặc quá dễ (sẽ không đủ thách thức hoặc cảm hứng để bạn nỗ lực).
3. Nguồn lực (resources) và kỹ năng (skills) của tôi ra sao? Để thực hiện sứ mệnh cũng như đạt được tầm nhìn của mình, bạn phải biết rõ mình cần những nguồn lực và kỹ năng gì. Có như thế, bạn mới biết mình còn thiếu (và/ hoặc yếu) những nguồn lực và kỹ năng nào để lên kế hoạch bổ sung và “nâng cấp”.
4. Kế hoạch hành động (action plan) của tôi thế nào? Sau khi hiểu rõ sứ mệnh, tầm nhìn, nguồn lực và kỹ năng của mình, bạn cần lên một kế hoạch hành động để hiện thực hoá tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Kế hoạch này phải cụ thể, khả thi và nên bao gồm những mục tiêu ngắn và dài hạn.
Về cơ bản, hai bài luận giúp Ủy ban Fulbright hình dung về bản thân cũng như kế hoạch dài hạn của tôi như sau:
Nhận thấy việc xây dựng thương hiệu trở nên ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nhu cầu học tập về ngành tiếp thị ngày càng cao, tôi đã đề ra một kế hoạch dài hạn là trở thành một chuyên gia về thương hiệu và một giảng viên ngành tiếp thị hàng đầu tại Việt Nam (tầm nhìn) nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn và góp phần đào tạo nhân lực ngành tiếp thị tốt hơn (sứ mệnh). Để làm được việc này, tôi dựa vào những kỹ năng hiện có sau nhiều năm làm việc trong ngành tiếp thị và kế hoạch theo học chưong trình MBA nhằm nâng cao năng lực chuyên môn (nguồn lực và kỹ năng cần có).
Tôi chia kế hoạch dài hạn của mình thành những mục tiêu ngắn hạn với những mốc thời gian cụ thể để dễ thực hiện hơn (kế hoạch hành động): (1) học chương trình MBA, (2) làm việc để áp dụng những gì đã học và (3) trở thành chuyên gia tư vấn về thương hiệu và giảng viên ngành tiếp thị.
Cách tiếp cận này giúp Ủy ban Fulbright thấy rõ kế hoạch dài hạn của tôi là gì, kế hoạch đó giúp ích gì cho Việt Nam và tại sao việc du học ở Mỹ có thể hỗ trợ tôi thực hiện kế hoạch đó tốt hơn. Ngoài ra, những thông tin khác trong bài luận “personal statement” còn giúp tôi thuyết phục Ủy ban Fulbright rằng tôi có đủ khả năng, ý chí, nghị lực để theo đuổi “sứ mệnh” của mình và dễ dàng thích nghi với môi trường học tập ở Mỹ một khi được tuyển chọn.
Cần lưu ý là bạn phải viết hai bài luận một cách trung thực, đơn giản, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề và tránh sử dụng những từ ngữ “đao to búa lớn” hoặc đề ra một kế hoạch quá “hoành tráng” nhưng tính khả thi không cao hoặc không thiết thực.
ĐỌC THÊM:
CHUẨN BỊ CHO BUỔI PHỎNG VẤN
Khi đã qua được vòng sơ tuyển, bạn sẽ được Ủy ban Fulbright phỏng vấn trực tiếp. Đây là dịp để Ủy ban Fulbright “kiểm chứng” những gì bạn đã viết và là cơ hội để bạn trao đổi sâu hơn về kế hoạch nghề nghiệp và bản thân mình. Bạn cần trả lời các câu hỏi một cách cụ thể, rõ ràng và trung thực.
Cần tỏ ra tự tin nhưng khiêm tốn. Nếu có điều kiện, bạn nên thực hiện một buổi “phỏng vấn giả định” (mock interview) trước với một người nước ngoài. Để làm việc này hiệu quả, bạn cần nói rõ về chương trình Fulbright, mục đích của buổi phỏng vấn là gì và gửi hai bài luận cho người sẽ phỏng vấn bạn. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, việc thực hiện buổi “phỏng vấn giả định” giúp ích cho bạn rất nhiều, nhất là tăng cao sự tự tin và khả năng ứng phó với những câu hỏi bất ngờ.
CHUẨN BỊ CHO CÁC KỲ THI TOEFL, GRE/GMAT
Càng có nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi TOEFL, GRE/GMAT (tùy theo ngành học, bạn sẽ phải thi GRE hoặc GMAT), bạn càng có cơ hội đạt điểm cao và được các trường tốt chấp nhận. Bạn nên bắt đầu cho việc “luyện thi” trước khi biết kết quả phỏng vấn vì từ lúc biết kết quả đến lúc thi thường chỉ khoảng 2 đến 3 tháng. Theo tôi, bạn cần ít nhất 6 tháng để chuẩn bị cho các kỳ thi này, nhất là những bạn phải đi làm nên ít có thời gian để “luyện”.
THAY LỜI KẾT
Mỗi cá nhân có một cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau. Phương pháp giúp người này thành công có thể không phù hợp với người khác nên tôi xin lưu ý các bạn đừng xem đây là “kim chỉ nam” duy nhất cho quá trình “săn” học bổng (Fulbright) mà chỉ nên tham khảo và “gạn lọc” những gì mà các bạn thấy hữu ích từ bài viết này.
ĐỌC THÊM:
Chúc các bạn thành công.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.