TÚ Ú CHIA SẺ

Chia sẻ kiến thức về digital marketing: seo, thiết kế web, quảng cáo, game, đào coin...Nói chung là những thứ Tú thích là Tú đăng !

TÌM KIẾM

Friday, September 22, 2023

PHÂN LOẠI 4 NHÓM TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ



Hơn 3.000 đại học ở Mỹ được US News chia thành 4 loại hình: National University, National Liberal Arts College, Regional University và Regional College. Tất cả các trường này đều có chương trình học cấp bằng cử nhân (B.Sc hoặc B.A). Hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình sẽ giúp ứng viên chọn được trường phù hợp, cả về định hướng ngành nghề lẫn học bổng/hỗ trợ tài chính.
1. National University (NU – Đại học quốc gia)

Top 10 NU: Princeton University, Massachusetts Institute of Technology, Harvard University, Stanford University, Yale University, University of Chicago, Johns Hopkins University, University of Pennsylvania, California Institute of Technology

Đặc điểm các trường này:

· Đầy đủ các chuyên ngành đại học, cùng với các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.
· Có diện tích lớn và đông sinh viên (10.000 đến 40.000 sinh viên, cả đại học lẫn cao học)
· Các ngành đào tạo rất chuyên sâu kiểu kiểm toán, kỹ sư an ninh thông tin, phần cứng hay ví dụ ngành Sinh học (Biology) thì nhiều trường còn có ngành liên quan chuyên sâu như Microbiology (Vi sinh vật học), Cellular Biology (Sinh học Tế bào)..
· Giáo sư ở NU tập trung nghiên cứu nhiều hơn giảng dạy, vì đây là yếu tố hàng đầu giúp các trường đạt được danh tiếng.

Ưu điểm:

· Nhiều lớp được giảng dậy với các giáo sư hàng đầu và sẽ có nhiều cơ hội làm nghiên cứu với các giáo sư này
· Cơ sở vật chất (nhất là phòng Lab) xịn xò
· Nhiều trường có chính sách học “kép” giúp cho việc học Master rút ngắn lại hoặc bạn có thể được tuyển thằng vào chương trình master của trường với học bổng khá tốt
· Trường hay tổ chức Carrier Fair với nhiều công ty tham gia, hệ thống cựu sinh viên lớn

Nhược điểm:

· Lớp học thường đông
· Sự quan tâm của trường đối với học sinh sẽ ít hơn trường LAC
· Rất nhiều lớp phải học với trợ giảng (Teaching Assistant) vì nhiều giáo sư còn tập trung làm nghiên cứu do đó ít cơ hội tương tác với giáo sư

Về vấn đề học bổng/ hỗ trợ tài chính các trường này cho sinh viên quốc tế thường chia thành các nhóm sau:

+ Các trường tư thuộc top đầu thì rất khó vào, tuyển sinh rất ít nhưng có cho thì cho rất nhiều và đôi khi cho tất cả Ví dụ các trường khối Ivy hay U Chicago, MIT, DUKE

+ Các trường Công top đầu kiểu UCLA, Berkeley, University of Michigan, Gatech, Purdue> UIUC... thì cơ bản là không cho gì

+ Các trường tư top sau kiểu Case Western Reserve University, Villanova University, Tulane, Texas Christian University... hay các trường công top dưới như University of Minnesota, University of Arizona, Umass Amherst, UIC... có học bổng cho sinh viên quốc tế tuy nhiên mức học bổng tối đa chỉ tầm 70% tiền học phí của trường (mức cụ thể là theo từng trường). Và gần như không có hỗ trợ tài chính.


+ Một số trường công thuộc các bang như Texas lại có chính sách cho sinh viên quốc tế được đóng học phí ở mức Instate (giảm gần 70%) nếu bạn làm quá 20h/1 tuần trong Campus hoặc bạn được học bổng tầm 1000$ của trường.

Do đó mức chi phí để học các trường này sẽ rơi vào tầm 40.000 đến 80.000 USD mỗi năm (học phí, ăn, ở và bảo hiểm).

Ngoại lệ thì cũng có các trường đại học quốc gia (NU) lại có chữ College trong tên gọi như Boston College hay Dartmouth College hay chỉ có số học sinh ít như kiểu Clark University khoảng 3000 sinh viên và Caltech với khoảng 2000 sinh viên

Ghi chú: trong các trường NU thì thường được chia thành nhiều College hoặc School. Đặc biệt gần đây ở Việt Nam có nhiều “Trường Đại học” đổi tên thành “Đại học” do đó phần dịch NU sang tên tiếng Việt có gì chưa đúng thì mong nhận được góp ý của mọi người

2. National Liberal Arts College (LAC – Đại học khai phóng)

Top 10 trường LAC: Williams College, Amherst College, Pomona College, Swarthmore College, Wellesley College, Bowdoin College, Carleton College, United States Naval Academy, Claremont McKenna College, United States Military Academy at West Point

Đây là loại trường độc đáo ở Mỹ và rất hiếm gặp ở các quốc gia khác. Đa số các trường LAC là các trường tư và thường có quy mô nhỏ, chỉ 1.000 – 3.000 sinh viên và chỉ đào tạo bậc đại học. Triết lý của đại học khai phóng hướng đến việc đào tạo cá nhân toàn diện. Quan điểm của họ là sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu hóa hay việc công nghệ, máy móc thay thế nhiều việc làm truyền thống. 



Vì thế, hệ thống giáo dục khai phóng muốn giúp người học thích nghi nhanh với những sự thay đổi này. Ở các trường LAC, bạn sẽ học cách học (learn to learn) và cách kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ một sinh viên chuyên ngành Toán không chỉ học lớp Toán, mà còn học các lớp về chính trị quốc tế, hùng biện, lịch sử, và âm nhạc.

Các giáo sư tập trung dạy học hơn làm nghiên cứu, đứng giảng gần như toàn bộ (các trường này còn hay được gọi là Teaching University). Sinh viên sẽ có cơ hội tạo mối quan hệ tốt với giáo sư, một yếu tố quan trọng nếu muốn học lên cao học vì bạn sẽ cần thư giới thiệu tốt từ họ. Trong top 10 trường có tỷ lệ học sinh học tiếp sau đại học thì các trườg LAC chiếm gần 50%.

Ưu điểm:

· Lớp học sĩ số 10-20, giúp tăng sự tương tác với giáo sư.
· Chăm sóc và hỗ trợ của nhà trường rất tốt
· Học bổng/hỗ trợ tài chính rất tốt với sinh viên quốc tế
· Dễ dàng học double Major mà không phát sinh thêm chi phí
· Có thể dễ dàng đổi ngành học
· Hệ thống cựu sinh viên hỗ trợ rất tốt

Nhược điểm:

· Không có các ngành đào tạo chuyên sâu kiểu như kế toán, hoặc hàng không vũ trụ mà sẽ chỉ dừng lại ngành chung chung kiểu kinh tế, vật lý.
· Cơ sở vật chất nghiên cứu chuyên sâu kiểu phòng Lab sinh học, kỹ sư... rất hạn chế
· Việc tổ chức các hội chợ việc làm thường không có hoặc có thì ở dạng liên kết với các trường khác và hệ thống cựu sinh viên thường nhỏ.

Xét về mặt học bổng/hỗ trợ tài chính thì các trường LAC là các trường hào phóng nhất với sinh viên quốc tế ở Mỹ. Trong top 50 LAC, đa số có tổng chi phí (học phí và ăn ở) lên đến 80.000 USD/năm. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế thường được hỗ trợ ở mức cao. Những sinh viên Việt Nam mà tôi biết ở đây thường chỉ đóng ở mức 20.000-35.000 USD/năm.

Ngôi trường nổi tiếng West Point (United States Military Academy at West Point) cũng được US news xếp vào trường LAC và đứng hạng 9. Nhưng ngay cả với người có quốc tịch Mỹ thì việc ứng tuyển vào trường này cần rất nhiều điều kiện không phải là học thuật mà người thường khó đáp ứng.




Rất nhiều trường LAC cũng có chữ University như Colgate University, Wesleyan University, Bucknell University và có trường LAC chỉ tuyển học sinh nữ.

3. Regional University (Đại học vùng)

Ví dụ: Providence College, Rollins College, Berry College, Stetson University, Butler University, John Carroll University, Truman State University, University of Portland.

Tương tự như các Đại học quốc gia, nhưng Đại học vùng có quy mô nhỏ hơn, khoảng 3.000-4.000 sinh viên và thường có ít hơn các chương trình đào tạo tiến sỹ. US news chia Mỹ làm 4 vùng: Nam, Bắc, Trung Tây và Tây (lý do tại sao chia thế thì mình không rõ). Và mỗi vùng sẽ có trường xếp hạng 1, 2... n. Các trường ở trong list ví dụ phía trên là top của 4 vùng.

Tỷ lệ được nhận vào các đây thường cao hơn hai loại hình trường ở trên. Ví dụ trường số 1 ở phía bắc Providence College là 47% trong khi trường số 1 ở Trung Tây là Butler University – 81%.

Theo quan sát của mình thì du học sinh Việt ít quan tâm đến những đại học này vì không nổi tiếng hoặc ít có học bổng/hỗ trợ tài chính.

Một trong những trường đại học vùng hay có học sinh Việt nam học mà mình biết là Truman State University – trường có học phí thấp mà lại có chính sách học bổng dựa vào điểm GPA và SAT/ACT khá hấp dẫn.

Nhiều trường Đại học vùng cũng có chất lượng đào tạo tốt nhưng mình có rất ít thông tin về việc học bổng/hỗ trợ tài chính về hệ thống trường này, do đó khi phụ huynh có kế hoạch cho con học các trường này cần tìm hiểu kỹ: chất lượng, tổng chi phí bỏ ra

4. Regional College (Chẳng biết dịch là gì cho khớp với các phần trên)

Ví dụ: United States Coast Guard Academy, United States Merchant Marine Academy, High Point University, Flagler College, Wesleyan College, Florida Polytechnic University, Cottey College, Taylor University, Carroll College

Regional College nhìn chung có đặc điểm tương tự như đại học khai phóng: nhỏ, tập trung giáo dục bậc đại học, ít đào tạo cao học. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chương trình học. Regional Collge có nhiều ngành chuyên về đào tạo nghề để khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ hướng vào một loại công việc cụ thể. Ví dụ như Accouting (Kế toán), Graphic design (Thiết kế đồ họa), Nursing (Y tá). Trong khi đó, các đại học khai phóng tập trung vào các ngành thiên về học thuật như Maths (Toán học), Biology (Sinh học), Psychology (Tâm lý học), Philosophy (Triết học), History (Lịch sử).




Regional College cũng được chia thành 4 vùng: Nam, Bắc, Trung Tây và Tây.

Học sinh quốc tế ít biết tới các đại học vùng do chính sách hỗ trợ tài chính của họ khá mập mờ và mình cũng không có nhiều thông tin.

Thông tin trên chỉ mang tính khái quát và mang tính chủ quan của cá nhân, để có thông tin chi tiết về từng trường thì các phụ huynh cần tìm hiểu thêm.

Nếu các con học trên đại học thì cần tìm hiểu về trường phân loại theo trường nghiên cứu R1, R2.

Bài viết trên có sử dụng thông tin từ nguồn https://apusvietnam.com/phan-loai-4-nhom-truong-dai-hoc-my/

https://www.usnews.com/best-colleges/rankings và các thông tin cá nhân Tú Ú Chia Sẻ thu thập được

Mình cũng rất mong nhận được sự đóng góp của mọi người để hoàn thiện bài viết này.


Tú Ú Chia Sẻ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Popular Posts

Wikipedia

Search results