Là một du học sinh tại Mỹ, hẳn bạn sẽ phải tiêu tốn khá nhiều tiền cho cuộc sống xa nhà. Ngoài học phí và tiền nhà ở (kí túc xá hoặc thuê nhà) là chi phí mà hầu hết du học sinh đều nắm rõ, còn có vô vàn các chi phí du học phát sinh khác mà đôi khi chúng ta không lường trước hoặc không để ý đến.
- Quần áo
Dù nhiều cửa hàng bán lẻ quần áo vẫn luôn có chính sách giảm giá cho sinh viên, nhưng đối với nhiều sinh viên quốc tế (du học sinh Việt Nam chúng ta), khi chuyển từ đất nước nhiệt đới sang một vùng đất có khí hậu lạnh hơn, thì vẫn phải tốn một khoản kha khá cho việc mua sắm quần áo mùa đông.
Đối với các bạn nhận được hỗ trợ tài chính của trường thì an tâm phần nào, vì có một số trường Đại học Mỹ có quỹ hỗ trợ đặc biệt dành cho các bạn. Và khoảng chi phí này có thể sử dụng cho việc mua các loại quần áo ấm.
- Thuê kho lưu trữ vào mùa hè (dành cho những bạn ở kí túc xá)
Vào mùa hè, kí túc xá của một số trường thường đóng cửa và các bạn phải dọn ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn. Với các bạn sinh viên bản địa và nhà cách trường không xa lắm, thì họ chỉ việc đóng gói đồ đạc mang về. Còn với những bạn sinh viên quốc tế khác, họ thường chỉ mang một số vật dụng cần thiết và đến ở nhờ nhà một vài người bạn thân. Số đồ đạc còn lại phải tìm một nơi để lưu trữ – dẫn đến chi phí phát sinh – đặc biệt nếu bạn có quá nhiều vật dụng. Mẹo là hãy liên lạc với nhân viên nhà trường, họ thường có các công ty dịch vụ lưu trữ là đối tác, có thể giúp bạn tìm một nơi lưu trữ miễn phí.
- Mua đồ điện tử
Một nghiên cứu của Rubicon năm 2016 cho thấy, số lượng mua hàng điện tử tăng đột biến vào dịp tựu trường. Trong đó sinh viên năm nhất chi tiêu trung bình $470 để mua sắm các thiết bị điện tử công nghệ. Cũng khá dễ hiểu, ở Việt Nam sử dụng nguồn điện khác với Mỹ nên việc mua sắm các đồ điện tử ở Mỹ sẽ tiện lợi hơn. Ngoài ra giá điện tử nếu so ở Việt Nam cũng rẻ hơn hẳn!
- Greek Life
Các trường Đại học ở Mỹ luôn có vô vàn những hoạt động ngoại khóa thú vị, trong đó tất nhiên không thể không kể đến Greek Life – những hội sinh viên có tên đặt theo chữ cái Hy Lạp. Rất ít sinh viên nghĩ đến những khoản phải chi cho hoạt động này.
Chi phí dao động từ $20 đến $200 mỗi tháng để trả cho các sự kiện xã hội, bảo hiểm, phí tham gia tổ chức quốc gia, quốc tế, cũng như phí bảo dưỡng ngôi nhà chung của cả hội.
- Chương trình trao đổi
Theo thống kê có khoảng 10% sinh viên tham gia chương trình trao đổi sang nước ngoài. Mỗi chương trình sẽ có chi phí khác nhau dựa trên nhiều yếu tố, ví như sinh hoạt phí của đất nước bạn đến, chương trình mà bạn sẽ theo học… Theo các chuyên gia, một vài trường có chương trình trao đổi rất “hào phóng” khi bạn sẽ không tốn nhiều chi phí hơn so với ở Mỹ.
- Phương tiện đi lại
Khó mà phủ nhận tầm quan trọng của xe ô tô trong đời sống hằng ngày ở nước Mỹ. Khi đã có bằng lái và xe hơi thì mọi việc đều trở nên tiện lợi hơn đối với sinh viên chúng ta. Thế nhưng, sự tiện lợi này cũng đi kèm với các chi phí phát sinh như tiền bãi đậu xe, bảo hiểm ô tô, phí nhiên liệu và cả phí bảo trì nữa.
- Về thăm nhà
Vâng, về thăm nhà cũng tốn một khoảng chi phí khá lớn đấy! Nào là mua vé máy bay, quà cáp và hằng hà các chi phí khác để quay trở về nhà trong những kỳ nghỉ cũng khiến sinh viên mình phải hao tâm tổn trí. Các chuyên gia khuyên sinh viên nên trao đổi với ba mẹ về mức độ thường xuyên về nhà để giảm bớt các chi phí còn tối thiểu nhất.
- Sách vở và dụng cụ học tập
Theo khảo sát gần đây cùa The College Board, chi phí trung bình của sách giáo khoa, dụng cụ học tập ở cả trường đại học công và tư đều vượt hơn $1,000 mỗi năm.
Sách giáo khoa có khi lên đến $200 – $250 một quyển. Thế nên có nhiều bạn, mặc dù được nhận gói hỗ trợ tài chính của trường để chi trả cho tiền sách vở, nhưng thi thoảng vẫn chưa đủ đáp ứng hoàn toàn.
- Bảo hiểm sức khỏe
Hầu như các trường Đại học ở Mỹ luôn yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm y tế trước khi bắt đầu nhập học. Bạn hãy chú ý nắm rõ thông tin bảo hiểm của mình để biết được các quyền lợi mà mình được hưởng khi sinh sống tại Mỹ.
- Các bữa ăn
Ăn mãi thức ăn của kí túc xá, hay những món tự nấu đôi khi cũng hơi ngán ngẩm. Thế nên sinh viên chúng ta cũng thích đi ăn uống cùng bạn bè vào mỗi cuối tuần. Và nếu như tình trạng này cứ lặp đi lặp lại thường xuyên, thì chi phí du học của bạn cũng từ từ tăng theo cấp số nhân luôn đấy!
Tú Ú Chia Sẻ
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.