Chào anh chị em, người làm SEO có thể rất quan tâm đến vấn đề tối ưu hóa tốc độ trang, vì đây là một yếu tố xếp hạng quan trọng đối với nhiều máy tìm kiếm. Tuy nhiên cũng không ít người bị ám ảnh đến mức tiêu cực bởi điểm số màu xanh trên Google PageSpeed Insights.
Trong bài viết này, tôi cố gắng tìm ra điểm cân bằng, bạn rõ ràng không muốn website chậm như sên, nhưng vắt kiệt sức để nhanh thêm 0,1s cũng chẳng khôn ngoan gì cho lắm.
---
#1 LỰA CHỌN HOSTING CHẤT LƯỢNG VẪN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Chẳng sớm thì muộn bạn sẽ nhận ra điều này! Vì hosting là nền tảng căn bản để bạn thi triển các biện pháp tối ưu, trên một hosting yếu kém, các triển khai dù tinh vi sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi đâu.
Nhiều quản trị website không phải là người bủn xỉn, nhưng cảm giác tối ưu hóa nó phê đến mức nếu tiết kiệm được chỉ 3$/tháng cũng tạo ra cảm giác sung sướng khôn tả.
Lời khuyên: nếu chi phí hosting của bạn ở mức vừa phải, hãy chọn hosting tốt nhất trong khả năng, bỏ đi cảm giác phê pha khi tối ưu hóa, nó chỉ vui lúc đầu, còn sau thì có thể khiến bạn mệt mỏi vì cứ phải canh chừng hosting mong manh yếu ớt.
---
#2 PLUGIN CACHE LÀ YẾU TỐ CĂN BẢN
Nhiều người không khoái dùng plugin cache, do một số yếu tố khó khăn ban đầu về cách dùng, nhất là với các plugin cache phức tạp (ví dụ Plugin LiteSpeed cache dành cho WP có thể cần bạn làm quen một tuần và nhiều ngày sau đó mới cho ra cài đặt tốt nhất). Tuy nhiên nếu không sử dụng plugin cache, trang của bạn sẽ đòi hỏi cấu hình cao hơn nhiều so với trang sử dụng thì mới có được tốc độ tương đương.
---
#3 CDN LÀ YẾU TỐ HỖ TRỢ TỐT KHI CẦN THIẾT
Cách đây độ dăm bảy năm, CDN là cái gì đó xa xỉ chỉ dành cho các công ty nhiều tiền của hoặc nắm vững về công nghệ. Ngày nay một blogger tầm trung cũng có thể sử dụng CDN được. Xu hướng này có một vài nguyên nhân:
- CDN ngày nay rẻ hơn đáng kể. Một website 50 – 100 ngàn view/tháng có thể chỉ tốn 1,5$ – 3$/tháng cho CDN.
- Cài đặt dễ dàng hơn. Ngày xưa bạn sẽ gặp đủ thứ trở ngại và lúng túng khi thiết lập CDN như file robots.txt, thẻ canonical header (để tránh trùng lặp nội dung), tên miền tùy chỉnh cho CDN (để tốt cho SEO hơn và khi đổi dịch vụ CDN khác không ảnh hưởng gì), https cho CDN,… thì ngày nay với các dịch vụ CDN tốt, các thiết lập mặc định của họ đảm bảo cho bạn điều này rồi, cứ thể mà dùng thôi. Nếu bạn cần một gợi ý, thì BunnyCDN là lựa chọn sáng giá.
- Xu hướng sử dụng hosting quốc tế vẫn rất mạnh. Mặc cho việc đứt cáp diễn ra thường xuyên, kéo dài, vẫn có rất nhiều người cương quyết với lựa chọn hosting quốc tế. Vấn đề này đôi khi tạo ra cuộc tranh luận khá gay gắt kiểu “khách hàng trong nước thì mua luôn hosting trong nước cho rồi, mấy bố cứ vẽ vời mua hosting nước ngoài làm gì để thêm việc vào người”. Tôi không có ý định đi sâu về vấn đề này, nhưng nếu ai biết thì cũng đã biết tại sao lại vậy, và tôi cũng không có ý định khuyên người dùng hosting trong nước nên chuyển ra nước ngoài hoặc ngược lại. Ở đây chỉ là việc chúng ta thấy cái gì phù hợp hơn thôi, và đó là lựa chọn của mỗi người.
---
#4 BẮT ĐẦU VỚI CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN TRƯỚC
Nếu là người mới bạn đừng quá ham hố những cài đặt phức tạp, bởi nó có thể làm bạn nản lòng và website thì rối tung lên. Tối ưu hóa tốc độ nên là cải tiến thực hiện theo từng bước từ dễ đến khó và cần thời gian để đạt đến mức độ tinh tế.
Dưới đây là những cải tiến dễ nhất mà đa số mọi người sẽ không quá khó khăn khi triển khai:
- Tạo cache.
- Lazy load ảnh, video.
- Tối ưu hóa dung lượng ảnh (đừng ham cái WebP vội, bạn tối ưu hóa không mất chất lượng là đủ ổn rồi).
- Tích hợp CDN.
- Lựa chọn theme và plugin chất lượng (cái này có thể có khó khăn về chi phí hoặc/và có quá nhiều lựa chọn, nhiễu thông tin).
---
#5 BỎ QUA CÁC THỰC HÀNH KHÔNG HIỆU QUẢ
Mảng tối ưu hóa tốc độ có mức độ tiến hóa rất nhanh, nhiều thực hành trước đây là lời khuyên nên làm thì giờ nó có thể không còn như vậy nữa. Ví dụ như gộp/nén CSS, JS hoặc sử dụng ảnh base64 thiếu cân nhắc.
Tất nhiên sẽ có ngoại lệ, điều tôi muốn nói ở đây là với bất kỳ kỹ thuật nào cũng cần so sánh và kiểm tra, khi bạn nắm rõ bạn sẽ biết là có nên dùng hay không.
---
#6 BỚT ÁM ẢNH VỀ ĐIỂM SỐ TỐC ĐỘ
Những gì quy ra được bằng con số luôn dễ gây ám ảnh, vì nó rất trực quan và rất dễ so sánh, cạnh tranh. Quan điểm của tôi trong vấn đề tốc độ là website của bạn cần nhanh chứ không cần nhanh nhất.
Không phải tôi không muốn website của tôi nhanh nhất! Đơn giản chỉ là chúng ta cần thực tế trong vấn đề này mà thôi.
Mới đầu bạn sẽ thấy cắt giảm 0,3s tải trang rất đơn giản, nhưng càng về sau sẽ càng khó khăn, tốn kém hơn. Và so sánh với các website khác đôi khi rất hại người, vì mỗi trang đều có mức độ đầu tư rất khác nhau. Nếu đối thủ của bạn là một ông kẹ về tài chính lẫn công nghệ, còn bạn là kẻ mới chập chững bước vào, thế thì đừng nên so sánh.
Một điều khác cũng đáng quan tâm, nhiều người tin rằng Google đánh giá tốc độ trong mối tương quan với SEO giống điểm ch.ết trong thi cử, tức là nếu tốc độ chậm đến mức ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng thì mới bị đánh tụt hạng, còn trên mức đó thì ổn, vì cũng có ngưỡng mà dù bạn có nhanh hơn nữa cũng chẳng làm thứ hạng của bạn tốt hơn được, vì xét cho cùng tốc độ đâu phải là tất cả trong vấn đề xếp hạng trang.
---
#7 GIỮA TỐC ĐỘ VÀ NGƯỜI DÙNG, HÃY CHỌN NGƯỜI DÙNG!
Mở rộng thêm cái #6, những ai phê pha quá mức trong vấn đề tốc độ dễ đi đến quyết định hy sinh một số yếu tố quan trọng trên trang mà có thể rất ý nghĩa với người dùng.
Ví dụ, một ảnh sản phẩm lớn trên trang bán hàng giúp ích rất nhiều cho người dùng khi họ muốn soi kỹ trước khi bỏ ra cả triệu đồng để mua, nhưng với người mê điểm số, họ có thể thay nó bằng hình nhỏ như bao diêm và kết quả là tỷ lệ chuyển đổi tụt đi cho dù điểm của bạn có nhích lên một chút.
Vấn đề ở đây là khi chúng ta quá tập trung vào một góc nhỏ, chúng ta mất đi cái nhìn tổng thể. Hiệu quả về mặt tổng thể của mục tiêu quan trọng nhất với website sẽ quan trọng hơn bất cứ chỉ số cụ thể nào...
PS: thực ra tôi cũng từng mắc hầu hết những lỗi ở trên!
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.