TÚ Ú CHIA SẺ

Chia sẻ kiến thức về digital marketing: seo, thiết kế web, quảng cáo, game, đào coin...Nói chung là những thứ Tú thích là Tú đăng !

TÌM KIẾM

Thursday, September 22, 2022

NHỮNG RÀO CẢN VÀO NGHỀ CHỈ NGƯỜI TRÁI NGÀNH MỚI HIỂU


(Bài viết từ một người trái ngành và hành trình theo đuổi giấc mơ)
Không phải ai cũng may mắn có được sự lựa chọn đúng ngay từ đầu đối với công việc của bản thân. Ngày chọn trường Đại học ở tuổi 18 nhiều mộng mơ chọn một ngành học bạn sẽ chịu nhiều tác động từ gia đình, bạn bè và cả xã hội (ngành HOT, công việc trong mơ…)


Hình ảnh mang tính chất minh họa

Tuy nhiên sau 4 năm học hay có thể là nhiều năm làm đúng chuyên ngành, vào một ngày đẹp trời bạn nhận ra không có yêu thích công việc “người khác” chọn cho mình. Bạn mắc kẹt và loay hoay tìm, lựa chọn một định hướng mới để cởi bỏ lớp áo cũ chẳng còn vừa người. Chặng đường bắt đầu lại bao giờ cũng bày sẵn những khó khăn, chông gai và nhiều thách thức đợi bạn.
1. THIẾU HỤT KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN
Là một người trái ngành, bạn bỏ lỡ nhiều năm để học và làm một nghề khác nên lẽ dĩ nhiên kiến thức chuyên môn về Marketing là điều gì đó chưa có nhiều trong từ điển của bạn.
Một từ chuyên ngành, một công thức viết Content, một quy trình sản xuất nội dung chuyên nghiệp… bạn không hề biết. Tham gia nhiều hội nhóm nhưng có nhiều vấn đề mọi người bàn luận sôi nổi bạn ù ù cạc cạc không hiểu gì?
Trái ngành, bạn thiếu hụt kiến thức nên bạn cần một ý chí mạnh mẽ, không từ bỏ và hiểu mình muốn gì? Biến những khó khăn thành động lực để tự học tập, tự tích lũy và phấn đấu nhiều lần so với những bạn đúng ngành. Hãy dấn thân khi hiểu biết của mình chỉ là con số 0.
2. DỄ MẤT PHƯƠNG HƯỚNG, KHÔNG BIẾT TIẾP TỤC THẾ NÀO
Thiếu sự định hướng, thừa sự hoang mang, “peer pressure”. Muốn dừng chân nhưng khát khao làm công việc mình thích. Không có bất kỳ kinh nghiệm gì từ trước đó nên dẫu nằm vùng trong các hội nhóm, thở nhịp thở với “con sen” nhưng sẽ không tránh được những lúc bạn lạc vào mê cung của kiến thức, của các từ ngữ chuyên môn và mờ mịt định hướng tương lai.
Đặc biệt là nhìn thấy mọi người xung quanh đã bắt đầu lên móng xây thành cho sự nghiệp còn bạn thì đang nhặt nhạnh từng mảnh ghép để bắt đầu công việc vụn vặt… Rồi chưa kể là nghe nói đó, đọc được gì đó nhưng không có nền tảng nên chẳng biết đúng sai. Lúc này trong đầu chỉ toàn câu hỏi: Cái A đúng hay B đúng? Sao chị C nói thế này mà anh D lại nói khác nhỉ?...
3. MẶC CẢM TỰ TI TRONG SUY NGHĨ
Chấp nhận học lại từ số 0 đồng nghĩa bạn phải xác định lên dây cót nỗ lực x10 lần để có thể nhích từng bước nhỏ nhất, để có được dấu ấn của bản thân với nghề. Đây là lúc hai chữ “tự ti” sẽ nuốt chửng nỗ lực trong bạn vì những thất bại đầu tiên, sự so sánh với những nhân tố thành công trong ngành.
Giai đoạn này là lúc đòi hỏi sự phấn đấu, bền bỉ nhất đến từ bạn. Dám “nằm gai nếm mật” để có được thành quả tiếp theo. Chỉ bạn và chính bạn mới có thể bảo vệ niềm yêu thích với nghề trong lúc này.
4. KHÔNG AM HIỂU CHUYÊN SÂU MỘT LĨNH VỰC NÀO
Mình không giỏi về một ngành cụ thể nào thì làm sao mà viết? Ngoài kinh nghiệm về giảng đường đại học và đôi ba bài học từ cuộc sống thật khó để tự tin bắt đầu. Bạn không tìm kiếm được ý tưởng nào hay ho vì thiếu kiến thức nền tảng và không hiểu được đâu là điều khách hàng mong muốn.
Tuy nhiên, các ngành học, kinh nghiệm sống đều bổ trợ nhau, nếu bạn biết cách vận dụng chúng thì không gì làm khó được bạn. Mạnh dạn chuyển mình, nắm bắt cơ hội để sống và làm việc hết mình. Đừng giữ khư khư quan điểm học ngành nào phải làm ngành đó, lửa đam mê, khát khao chinh phục mục tiêu cùng với tố chất và tiềm năng ở sâu trong con người bạn mới là điều một nhà tuyển dụng thật sự cần.
5. ĐỎ MẮT TÌM MENTOR, KHÔNG CÓ MENTOR
Không có ai kèm cặp, không một hướng dẫn nào làm kim chỉ nam cho bản thân. Bạn mỏi mắt tìm một người thầy, một lãnh đạo có tâm để dìu dắt nhưng khi mới bắt đầu thật khó để có được điều đó. Điều này khiến bạn mất tập trung và không nhìn thấy đích đến của bản thân.
Làm sao để có cho mình một người hướng dẫn? Khó vì không ai có quá nhiều thời gian dành cho bạn nhưng không phải là không thể. Đôi khi người thầy là người bạn tự lựa ra trong hàng ngàn các anh/chị/bạn thường xuyên chia sẻ ngoài kia. Tìm một người bạn dễ dàng bắt sóng, theo dõi và tương tác với họ để học hỏi nhiều hơn.
Thật ra nếu bạn có khả năng, mentor có thể đang ở ngay cạnh bạn là người sếp của bạn, là các anh/chị đồng nghiệp chung team. Chỉ cần bạn tỉnh táo xây cho mình tư duy không ngừng học hỏi, chắt lọc thông tin thì bất kì ai cũng là thầy chỉ đường cho bạn.
6. LỜI KHUYÊN DÀNH CHO BẠN
Chẳng có một hành trình nào toàn là quả ngọt đặc biệt là với những bạn trái ngành. Vậy làm thế nào để bạn giúp bản thân vượt qua những khó khăn, gỡ rào và tăng tốc tiến về đích.
Đầu tiên, bạn hãy xác định mục tiêu của bản thân là gì? Con đường tối ưu nhất dẫn bạn đến mục tiêu? Bạn đã sẵn sàng để chạy và chạy?
Làm thế nào đây? Cách đơn giản là hãy đắm mình trong các hội nhóm liên quan đến đề tài, luyện tập viết mỗi ngày,... Hãy không ngừng học hỏi, tự mày mò, trau dồi bản thân và các tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên ngành.

Quan trọng nhất là bạn đừng “mặc cả” với tương lai và công việc. Hãy không ngừng học tập và đầu tư vào bản thân, vào giá trị kiến thức để hệ thống tư duy. Kiến thức cho bản thân sẽ là điểm neo cho những chặng đường tìm hiểu và học tập tiếp theo.
Để có ngày hôm nay, tôi đã dành cả thanh xuân để học tập và làm việc, đánh đổi nhiều thứ để chinh phục giấc mơ và hành trình tri thức. Chúc bạn sớm tìm thấy chiếc chìa khóa vàng!
P/S: Mình sẽ tặng bạn 1 món quà ở phần bên dưới, tổng hợp danh sách các KOL/Group chuyên môn mình tự học Marketing nhiều năm nay.
---
Hảo Nguyễn - COO GIGAN - Training Center
Người luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Popular Posts

Wikipedia

Search results