Không phải Iron Man, một bộ phim 18+ ít ai ngờ mới là nền móng cho 11 năm rực rỡ của Marvel và Endgame hôm nay. Trước khi Iron Man lần đầu lên màn ảnh lớn vào năm 2008, Marvel đã phải gặp quá nhiều thất bại trong việc đưa các siêu anh hùng trong truyện tranh thành một nhân vật điện ảnh. Sau thất bại thảm hại của Howard the Duck (1986), hãng thậm chí còn phải rút lại dự án Fantastic Four của mình định ra rạp vào những năm 1990.
Ít ai ngờ rằng "Blade" chính là cứu tính của Marvel Studios.
Điều xui xẻo thì luôn luôn nối tiếp nhau vì vậy chỉ ngay sau sự kém duyên với điện ảnh này, Marvel gặp phải khủng hoảng tài chính nặng nề, đi đến bờ vực phá sản vào năm 1996. Mãi cho đến 2 năm sau đó, một tia sáng đến với hãng truyện tranh này và đó là Blade (Săn Quỷ), bộ phim nhãn R (cấm khán giả dưới 18 tuổi) đầu tiên của lịch sử phim siêu anh hùng. Diễn viên Wesley Snipes hóa thân vào vai Daywalker, một siêu anh hùng hạng C nửa người nửa ma cà rồng đã có màn trình diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh.
Ai mà tin được Marvel lại thành công từ phim siêu anh hùng nhãn R
Bộ phim để lại ấn tượng bởi những cảnh máu me.
Blade ngập tràn trong những cảnh chém giết máu me đến rùng rợn. Những cảnh hành động trong phim được dựng một cách tàn nhẫn, đặc biệt, bản thân nam diễn viên Wesley Snipes - vốn xuất thân là một võ sĩ - đã tự dàn dựng những cảnh chiến đấu cực hạng trong phim. Ngay từ những năm cuối thế kỉ 20, hình ảnh ma cà rồng, quái vật được dựng trong Blade đã khiến nhiều khán giả ám ảnh đến mất ngủ vì tạo hình ghê sợ của chúng.
Không khí mờ ám tại hộp đêm, những gã ma cà rồng tàn ác không chút "ghê răng" hút máu trực tiếp từ người bị hại, máu bắn tung tóe lên người những vũ công, tiếng súng trộn lẫn tiếng hét,… đó là những gì mà người xem ấn tượng khi nhắc về bộ phim này.
"Blade" giống "John Wick" hơn mà Marvel ngày nay.
Thật khó có thể tưởng tượng được một bộ phim của Marvel lại "đen tối" như thế kia trong bối cảnh hiện nay. Blade có vẻ như là người anh em cùng vũ trụ với John Wick hay Underworld chứ chẳng phải cùng vũ trụ với Ant-Man tưng tửng hay Spider-Man nhí nhố nữa. Vậy mà, chính bộ phim ấy lại tiếp thêm rất nhiều hy vọng để Marvel cho ra đời một Marvel Studios lớn mạnh với doanh thu trị giá gần đạt mức 20 tỉ USD như hiện nay.
Bộ phim phản anh hùng (anti-hero) này thu về cho Marvel 131 triệu USD trên toàn thế giới với ngân sách chỉ 45 triệu vào thời điểm năm 1998. Mở đường cho hai phần phim tiếp theo được ra mắt vào năm 2002 và 2004. Không chỉ thành công về mặt thương mại, Blade cũng giành được nhiều lời khen từ nhà phê bình điện ảnh dành cho bộ phim những câu chữ đường mật "một sự kết hợp hoàn hảo giữa võ thuật và tiếng cười thâm thúy."
Bài học quan trọng về chọn diễn viên
Thần thái của Wesley Snipes sinh ra là để làm Blade.
Xét lại về trường hợp thành công của Blade so với những tác phẩm trước đó của hãng, có vẻ Marvel đã rút ra một bài học: Chọn diễn viên sao cho chuẩn. 11 năm trước Marvel tuyển chọn ngôi sao hết thời đang be bét trong bùn lầy thuốc phiện Robert Downey Jr. vào vai Iron Man với sự hoài nghi của bao khán giả lẫn nhà phê bình. Để rồi 11 năm sau, người ta nhìn vào Iron Man, khó có thể tưởng tượng một khuôn mặt nào khác ngoài nam diễn viên này.
Anh cũng tự biên đạo những cảnh đánh nhau trong phim.
Điều này cũng giống y hệt trường hợp của Blade và Wesley Snipes. Công bằng mà nói, không phải Blade đem lại cho nam diễn viên dày dặn kinh nghiệm này danh tiếng mà anh mới đem lại sự nổi tiếng cũng như chất riêng đến cho tác phẩm này. Vẻ ngoài "cool ngầu" của anh cùng với những pha hành động không thể nào hút mắt hơn là điểm nhấn mà mãi sau này khán giả từng mê đắm Blade một thời vẫn phải nhắc lại trong câu chuyện của họ.
Bộ phim mang ý nghĩa về chống phân biện chủng tộc và giới tính
"Blade" mang ý nghĩa về chủng tộc trước cả "Black Panther".
Blade thực sự là một bộ phim đi trước thời đại. Vào năm 1998, người ta cho rằng một bộ phim với nhân vật chính là một người đàn ông da đen sẽ chẳng bao giờ giành được sự đón nhận trên thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy Blade vẫn trở thành ông vua phòng vé ở cả những thị trường khó tính, như Nhật Bản chẳng hạn. Chẳng cần phải chờ đến năm 2018 để được ra đời trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc mới nổ ra rộng rãi trên khắp nước Mỹ như Black Panther, Blade vẫn giành được sự mến mộ từ cả fan của truyện tranh Marvel lẫn khán giả bình thường.
Đặc biệt, nhân vật bác sĩ Karen Jenson, một người phụ nữ mạnh mẽ đã không ít lần cứu sống Blade còn thậm chí chẳng phải là người tình của nam anh hùng. Vị thế của cô trong phim ngang hàng với Blade, giống như một cộng sự, một ân nhân của nam chính. Hiếm có tác phẩm nào, đặc biệt là đối với dòng phim siêu anh hùng, lại có thể xây dựng một nhân vật nữ chính với vị trí cao như này, đừng nói là Blade đã được ra đời tận hai thập kỉ về trước!
Tạm kết
Thành công của Blade nhắc nhở Marvel và chứng minh cho cả thế giới về việc phim siêu anh hùng hoàn toàn có thể hái ra tiền nếu có hướng đi đúng! Sau khi bán đi những đứa con quý giá của mình là X-Men và Spider-Man, Marvel đã xốc lại tinh thần một cách ngay ngắn, đi từng bước đúng đắn trên con đường đã được xây dựng bằng niềm tin của hãng về tiềm năng to lớn của dòng phim siêu anh hùng để xây dựng lên MCU mà chúng ta yêu mến ngày nay. Nói cách khác, không có Blade thì cũng chẳng có Endgame đâu.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.